Trà đạo là một nét đẹp văn hóa trong ẩm thực của người Nhật. Tại đây, uống trà không còn là một thói quen mà còn được nâng lên tầm nghệ thuật với các quy tắc và lễ nghi riêng. Dùng trà không chỉ đang thưởng thức đặc sản, mà đồng thời bạn cũng chiêm nghiệm về văn hóa đời sống của con người xứ sở mặt trời mọc.
Có rất nhiều loại trà đa dạng có mặt tại Nhật Bản như: Trà gạo rang; Trà sao Nhật Bản; Trà búp; Trà cuốn Nhật Bản; Trà Bancha… Điều đặc biệt là mỗi loại đều có nguồn gốc, phương thức chế biến và hương vị hoàn toàn khác nhau.
Sencha là loại trà được sử dụng rộng rãi nhất trong các loại trà xanh ở xứ hoa anh đào và là loại trà mà người Nhật thường được dùng để mời khách.
Sencha theo tiếng Nhật có nghĩa là “trà rang”, tên gọi này dựa trên cách chế biến trà xanh theo kiểu cũ của Nhật Bản, chịu ảnh hưởng đôi chút bởi phương pháp chế biến của người Trung Hoa thời xưa. Ngày nay, để chế biến Sencha, người Nhật dùng các lá trà tươi và hấp chúng ngay sau khi hái xuống từ cây (trong trạng thái lá trà vẫn còn tươi). Sở dĩ người ta phải thực hiện ngay công đoạn này bởi để tránh quá trình lên men vốn xảy ra rất nhanh ở trà. Bằng cách làm như vậy trà xanh sẽ giữ được hương vị Sencha thơm ngon lâu hơn các loại trà khác. Tùy thời gian hấp mà độ tươi của trà thay đổi, thời gian hấp càng lâu thì độ tươi càng giảm và kèm theo đó là màu trà càng chuyển sang màu xanh lục.
Trà sencha được hấp theo các cấp độ (theo thứ tự thời gian từ ít đến nhiều): Asa-mushi (hấp sơ) – Chu-mushi (hấp vừa) – Fuka-mushi (hấp sâu) – Toku-mushi (hấp lâu) – Goku-mushi (hấp 2 lần).
Sencha có vị ngọt tinh tế, hòa quyện cùng vị chát nhẹ và hương thoang thoảng của hoa cỏ, khi pha lại có màu xanh lá cây rất bắt mắt. Sencha cũng có nhiều loại với chất lượng thay đổi tùy theo giống trà, thời điểm thu hoạch và kỹ thuật chế biến. Loại Sencha có chất lượng cao nhất là Sencha được thu hoạch vào đầu mùa xuân hoặc là những búp trà đầu tiên được hái (còn gọi là Ichi-bancha).
Tại Nhật, thu hoạch trà xanh đầu tiên trong năm vào khoảng tháng 4 và tháng 5. Sencha sản xuất trong vụ trà này thường có màu sắc khá sáng, màu xanh mượt, hương thơm mạnh và có vị ngọt rõ rệt. Có được loại trà ngon như vậy vì sau một thời gian cây trà “ngủ” quên trong cái giá buốt của mùa đông, nên khi xuân đến, cây trà dường như được đánh thức dậy với những búp trà xanh giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là axit amin, đường và catechin, làm tăng hương vị và mùi thơm tuyệt hảo của trà.